#011 Practice thinking in Network!
Một lối tư duy khác, hay đúng hơn là một cách sắp xếp suy nghĩ và kiến thức khác, phù hợp với cách thức mà não bộ chúng ta thực sự hoạt động!

💬 Hãy thử ghi nhớ ví dụ sau nhé:
“Noradrenaline (norepinephrine) là một loại hormone của cơ thể, có tác dụng gồm:
- Tăng huyết áp
– Tăng sức cản mạch máu hệ thống (SVR).
– Tăng cả huyết áp động mạch và tĩnh mạch. - Tăng nhịp tim.
- Tăng cung lượng tim, tuy nhiên cung lượng tim có thể giảm nếu nhịp tim quá nhanh.”
Để học và hiểu được đoạn trên, bạn có thể sẽ phải nhẩm vài lần, có thể sẽ phải viết ra giấy hay gõ lại đoạn trên. Mặc dù vậy, nó vẫn sẽ chỉ được ghi vào trí nhớ ngắn hạn của bạn và theo Ebbinghaus’ Forgetting Curve, khả năng cao bạn sẽ quên nó sau một thời gian ngắn - có thể là vài giờ, hay chậm hơn là vài ngày.
Khi nghĩ về cách thức tư duy, học tập hay sắp xếp kiến thức, có lẽ bạn sẽ nghĩ đến việc hệ thống hoá, sắp đặt chúng theo một trật tự để ghi nhớ, đặc biệt đối với các bạn học sinh, sinh viên… Ta luôn cố gắng tìm ra trật tự trong mớ hỗn độn, nắm lấy những điểm chính để tránh bỏ sót. Tuy nhiên, cách làm này có thực sự là cách thức mà não bộ ta hoạt động?
Thế giới hiện đại đang phát triển quá nhanh, lượng kiến thức tăng lên với một cấp độ không tưởng ở mọi lĩnh vực, tính theo hàng ngày, hàng giờ, thậm chí là phút, giây. Sự hỗn loạn vì thế mới là đặc điểm thường gặp của thế giới này, thay vì tính trật tự.
Vậy, quay lại câu hỏi ban đầu nhất: tìm kiếm và sắp xếp mọi thứ theo một trật tự liệu có phải là cách duy nhất để sắp xếp kiến thức của mình?
Cùng mình thử tìm hiểu nhé?
Hierarchy & Network thinking systems
Hierarchy - hệ thống, trật tự và truyền thống
Một Hierarchy (tạm gọi là một hệ thống thứ bậc) là một hệ thống lồng ghép hay phụ thuộc (nested system), xuất phát từ 1 vị trí ban đầu nhất, và mở rộng ra phía dưới hay trên.
A Hierarchy is a system or organization in which people or groups are ranked one above the other according to status or authority. - Google

Lợi ích to lớn nhất của một Hierarchy chính là trật tự. Trật tự là nền tảng để ta định hướng trong thế giới này mà không lạc lối, như một đường link chính xác sẽ giúp cho bất kỳ máy tính nào tìm đúng cùng 1 thư mục giữa cả biển thông tin là Internet để download về vậy.
Trật tự ngoài ra còn cho ta có một cái nhìn tổng quát nhất về một vấn đề - cực kỳ quan trọng vì ở thời đại ngập tràn thông tin này vì chỉ cần nắm được tổng quan về một vấn đề đôi lúc đã là hi vọng xa vời, đừng nói đến việc hiểu biết, chuyên sâu.
Tuy nhiên, hệ thống Hierarchy cũng có nhược điểm của nó!
Hierarchies are effective for large-scale, slow-moving efforts in relatively predictable environments. They enable centralized direction and tight synchronization between many moving parts. In times of command and control warfare, mass producing a standardized product, or managing a vast bureaucracy, only a hierarchy will work. - Tiago Forte, Fortelabs.co
Đúng như Tiago Forte trình bày, Hierarchy chỉ phù hợp cho những hệ thống cồng kềnh, to lớn, ít thay đổi và hoạt động theo những quy tắc cố định, dễ đoán trước. Vì đó, dù rất có giá trị trong việc giữ trật tự, nó lại khá kém trong việc thích nghi, đặc biệt là với sự thay đổi nhanh chóng do khối lượng kiến thức mới được tìm ra, tạo ra mỗi ngày.
Ngoài ra, mình nhận thấy các Hierarchies bị phụ thuộc khá nhiều vào khả năng ghi nhớ, nhưng lại không thể hiện được mối liên quan giữa các thành phần bên trong. Không tin ư? Hãy để ý lại xem bạn còn nhớ được đủ ví dụ mình nêu ở đầu bài không nhé 😆?
Network - mối liên kết giữa sự hỗn loạn, vô trật tự
Hãy thử phân tích lại một cách kỹ càng hơn ví dụ nêu ở đầu bài:
Noradrenaline là một hormone có tác dụng kích hoạt 2 loại thụ thể alpha-1 và alpha-2 nằm ở các cơ trơn, đặc biệt là ở thành các mạch máu, phân bố tương đối đều ở cả động mạch và tĩnh mạch. Khi hoạt động 2 thụ thể này có tác dụng co cơ trơn => co các mạch máu động mạch và tĩnh mạch => tăng sức cản hệ thống (Systemic Vascular Resistance - SVR), góp phần làm tăng huyết áp.
Noradrenaline cũng có tác dụng kích hoạt thụ thể beta-1 (có mặt ở tim). Khi hoạt động thụ thể Beta-1 này làm tim bóp mạnh và nhanh hơn, làm tăng nhịp tim (Heart Rate - HR) và tăng sức co bóp cơ tim.
Cung lượng tim (Cardiac Output - CO) phụ thuộc vào Nhịp tim (HR) và Thể tích máu tống (Stroke Volume - SV) được tính theo công thức: CO = HR x SV. Thể tích máu tống lại được tính bằng hiệu số của thể tích cuối tâm trương (EDV) trừ đi thể tích cuối thì tâm thu (ESV), ngoài ra còn phụ thuộc một phần vào sức co bóp cơ tim.
Như đã biết, noradrenaline làm tăng nhịp tim, ngoài ra nó làm tăng sức co bóp cơ tim, nên cũng giúp tống máu ra khỏi tim tốt hơn, làm tăng thể tích máu tống. Kết hợp cả 2 vế có thể thấy: Noradrenaline làm tăng cung lượng tim! Tuy nhiên, trong trường hợp nhịp tim quá nhanh, tim co bóp không kịp để tống máu, ESV tăng lên, lại làm giảm thể tích máu tống => giảm cung lượng tim.

Có thể thấy, quá trình để đi đến được kết luận ngắn gọn như ví dụ là không hề dễ dàng. Quá trình phân tích và suy luận này có tính liền mạch, các yếu tố được sắp xếp trước sau chứ không có tính liệt kê như với Hierarchy. Có lẽ bạn cũng đã nhận ra, quá trình này mới thực sự là cách não bộ ta suy luận: một cách liền mạch, từ vấn đề/yếu tố này liên kết đến thứ tiếp theo!
Đây chính là hệ thống thứ 2, còn gọi là Network System (hệ thống dạng mạng lưới).

Một điều nổi bật của mạng lưới là nó tập trung vào mối liên hệ giữa các nội dung bên trong hệ thống giúp ta tìm ra những vấn đề bị ẩn dấu, những mắc xích nhỏ nhưng có thể là mấu chốt của cả một quy trình…
Môi trường có tính hỗn loạn này sẽ đề cao khả năng sắp xếp, lần theo các mạch suy nghĩ và đưa ra đáp án (còn được biết với cái tên: “suy luận”!) Network cũng giúp tăng khả năng sáng tạo, khi ta không bị gò bó bởi những quy luật, trình tự của một Hierarchy nào. Cuối cùng, Network ít bị phụ thuộc vào khả năng ghi nhớ của ta mà ngược lại, còn giúp ta nhớ lâu hơn!
Tuy nhiên, tệ nạn của hệ thống này cũng khá rõ ràng: bản chất hỗn loạn của nó dễ làm ta lạc lối, đặc biệt khi tiếp cận với một vấn đề mới, vì không có nền tảng, rõ ràng ta sẽ không biết nên bắt đầu từ đâu. Do đó, dù có tính linh động cao, nó cũng chỉ phù hợp với quy mô nhỏ hơn nhiều so với Hierarchy!

Sự hoà hợp, cùng tồn tại của 2 hệ thống
Một khi đã hiểu được cả ưu, nhược điểm của cả 2, hiển nhiên việc ta nên làm là lựa chọn thời điểm phù hợp nhất để sử dụng từng loại hệ thống. Có 2 cách tiếp cận vấn đề này: (1) tìm ra Hierarchy từ trong một Network hoặc (2) phát triển một Network từ một Hierarchy. 2 phương pháp này theo mình nên được luân phiên sử dụng tuỳ thời điểm.
Một ví dụ: khi đã biết tác dụng cung cấp một dàn khung tổng quát của Hierarchy, khi tiếp cận một vấn đề mới, có lẽ bạn nên tìm một trật tự nào đó, ít nhất làm điểm khởi đầu? Đối với các bạn học sinh/sinh viên, các đề mục trong mỗi bài hoặc mục tiêu bài học là nơi khởi đầu rất tốt. Tuy nhiên, đừng ngừng lại mà hãy bắt đầu áp dụng Network theo các quy mô nhỏ và dần đi lên, tìm ra các liên hệ và quy tắc vận hành của vấn đề đó.
Ngược lại, khi đã hiểu biết về một vấn đề, có lẽ bạn nên trình bày và lưu trữ nó dưới dạng một Network. Cách làm này sẽ giúp bạn bạn nắm chắc về cách thức hoạt động, các thành phần của nó và tiếp tục khai thác sâu vào mối liên quan giữa các yếu tố bên trong hoặc tìm ra những điều mới!
Verdict
⭐️ Khi nghĩ về cách thức tư duy, học tập hay sắp xếp kiến thức, ta thường nghĩ về việc hệ thống hoá, sắp đặt chúng theo một trật tự để ghi nhớ. Tuy nhiên, hệ thống này có thực sự là cách thức mà não bộ ta hoạt động?
⭐ Tái sắp xếp dưới dạng mạng lưới (Network) sẽ giúp ta thực sự trực quan hoá được kho kiến thức của bản thân, tìm lại và khai thác mối liên kết cũng như sáng tạo ra các ý tưởng mới. Nó cũng giúp ta đỡ phải ghi nhớ hơn và chải vuốt dòng suy nghĩ mạch lạc hơn.
⭐️ Tuy nhiên, các điểm yếu của cả Trật tự (Hierarchy) và Mạng lưới (Network) đều rất rõ ràng. Cách tốt nhất để tận dụng được chúng có lẽ là sự phối hợp của cả hai, tương tự với cách vận hành của thế giới này vậy!
Cảm ơn bạn đã đọc bài!
Cuối cùng, bài blog này lấy cảm hứng rất nhiều từ " A Complete Guide to Tagging for Personal Knowledge Management - Forte Labs ” của tác giả Tiago Forte - một người đi đầu về mảng Productivity. Nếu có thời gian các bạn hãy tìm đọc lại bài gốc của tác giả, có thể sẽ học được thêm nhiều thứ thú vị nữa nhé!
Ý tưởng về Thinking in Network vốn không hề mới, nhưng vẫn chưa được rất phổ biến. Mình được giới thiệu đến hệ thống này thông qua phần mềm Obsidian - một phần mềm Note-taking mới, được xây dựng từ nền tảng Network đi lên. Đây là một trong các thử nghiệm và phát hiện mới trên con đường hoàn thiện Personal Knowledge Management (PKM) system của chính mình.
Nếu vẫn chưa có được một Personal Database cho bản thân, có lẽ bạn nên đọc bài Xây dựng database học tập Y khoa đơn giản với Notion để bắt tay vào làm ngay nào? Còn nếu những thứ này làm bạn thấy hứng thú, hãy ấn nút Join và nhập email để nhận thông báo bài mới nhất nhé!
😉 Hẹn gặp các bạn sau 2 tuần!
Comments ()