#019 - Be nostalgic for the future in front
Những phút giây mình va vào một bản nhạc lâu rồi mới nghe, lướt qua một quyển sách đã đọc đôi lần từ nhỏ, đến một khung cảnh từ lâu mới quay lại…

Mình đã đến độ tuổi thường có những phút giây nhìn lại quá khứ, nhớ về một thời “tuổi thơ” với tất cả những hào hứng và thú vị, những khoảnh khắc hứng khởi.
Một cảm xúc khá phức tạp thường xuất hiện những phút giây mình va vào một bản nhạc lâu rồi mới nghe, lướt qua một quyển sách đã đọc đôi lần từ nhỏ, đến một khung cảnh từ lâu mới quay lại… Cảm xúc này thường đi kèm với một động lực thôi thúc, mạnh mẽ, khiến ta muốn làm gì đó, để níu kéo, để dành giật lại những “khoảnh khắc” đó, vì trọng lượng đằng sau đó, là cả… “tuổi thơ”.
Xin trích lời tác giả Nguyễn Nhật Ánh: ”Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”.

Hoài niệm (Nostalgia)
“Hoài niệm” (Nostalgia) là cảm xúc mà Rays đang nhắc đến. Chắc chắn tất cả bạn đọc của mình đều đã từng ít nhất một lần trải nghiệm.
Ngồi tìm lại những bộ phim hoạt hình hay truyền hình cũ, nghe lại các album nhạc cũ, tìm và chơi lại các trò chơi “Retro”. Nó là một sự khát khao, một nút thắt bùng nổ cảm xúc, và là động lực thôi thúc cho nhiều người bước lên con đường tìm lại tuổi thơ. Cảm xúc này có thể khá quen thuộc, vì mình và các bạn đều vừa trải qua cảm giác tìm “về nhà” mỗi dịp Tết đến.
Nostalgia trong tâm lý học thường được đánh giá cao và thường xuất hiện trong những thời điểm căng thẳng, cô đơn hoặc đứng trước các biến đổi. Nostalgia giúp chúng ta khẳng định lại giá trị cá nhân trong cuộc sống, giảm lo âu và cải thiện “mood (khí sắc)” - theo nghiên cứu của Clay Routledge năm 2008.
Theo góc nhìn của mình, đôi lúc đứng trước những biến đổi hay khi hoang mang, não bộ chúng ta có bản năng tầm soát lại ký ức để tìm kiếm phương thức giải quyết. Kết quả của Nostalgia thường là một tinh thần lạc quan hơn, vì chúng ta có xu hướng nhớ lại quá khứ một cách tích cực hơn thực tế (hiệu ứng “lọc màu hồng” – rosy retrospection).
Đây cũng là giả thuyết nhiều người đưa ra để giải thích cho các trường hợp trước khi mất, nhiều người nhìn thấy “cả cuộc đời của mình lướt qua trước mắt”. Lúc này, bộ não đang điên cuồng lục lọi lại toàn bộ ký ức của cá nhân đó để tìm lời giải cho một vấn đề vô giải - cái chết.
Tuy nhiên, khởi đầu năm 2025 này, mình tình cờ thấy được một góc nhìn rất khác biệt về sự hoài niệm:
”Be nostalgic for the future that is infront of you. Crave it, the same way you do for that of the past. It's all still to happen for you.” - random person on Youtube.
A future to be nostalgic for
Điều thú vị của sự hoài niệm không chỉ là sự điều chỉnh cảm xúc theo hướng tích cực, mà còn ở sự khẳng định giá trị của bản thân, thông qua các trải nghiệm cá nhân. Nó tạo nên một sự thôi thúc, động lực để bước tiếp.
Vậy nếu chúng ta thay đổi tầm nhìn, về phía trước mà không còn ở phía sau. Nếu ta nhìn về một tương lai, một hình ảnh mà chúng ta mong muốn, và rồi “hoài niệm” về nó?
Nếu ta có thể tận dụng tất cả những động lực, những khao khát đó, cho một “tương lai” thay vì “kỷ niệm”?
Bạn có thể!
Từ giờ, mỗi lần sự hoài niệm trỗi dậy, thôi thúc và mạnh mẽ, nó sẽ không còn chỉ là sự buồn bã vì một quá khứ đã qua, mà còn là cú hích để bạn nhìn về hình ảnh ở tương lai đang chờ đợi!
You can do it, it’s all still to happen for you!

Happy new year and thank you for reading!
Rays, Feb 2025
Comments ()