#010 Escape the noisy world - Cal Newport's “Digital Minimalism” Book Review

“Lối sống tối giản thời công nghệ số” của Cal Newport là tác phẩm ưa thích nhất trong năm 2020 của mình, cho thấy một góc sâu sắc về sự mối quan hệ người với người và tầm quan trọng của sự chủ động trong việc kiểm soát bản thân.

#010 Escape the noisy world - Cal Newport's “Digital Minimalism” Book Review
You cannot expect an app dreamed up in a dorm room, or among the Ping-Pong tables of a Silicon Valley incubator, to successfully replace the types of rich interactions to which we’ve painstakingly adapted over millennia. - Cal Newport

Our drive for social approval is instinctual

Từ lúc PET-CT được phát minh, nó đã cho phép nhân loại khả năng thực sự quan sát não bộ của mình hoạt động. Một câu hỏi trong lúc tình cờ được đặt ra trong thời điểm đó: “Có phần nào của não bộ hoạt động trong lúc chúng ta không cố tình làm việc gì đó không?”

Đây là một câu hỏi khá lạ lùng, tuy nhiên lại dẫn đến một phát hiện to lớn. Kết quả PET-CT cho thấy có một vùng não bộ đặc biệt hoạt động ở những người “không suy nghĩ gì”. Sau một thời gian phân tích, họ tìm ra tác dụng của vùng này giúp suy nghĩ tới một số đối tượng: “người khác, bản thân hoặc cả hai”.

Một cách khác, khi không có việc gì để làm, mặc định của não bộ chúng ta sẽ suy nghĩ về quan hệ xã hội!

“When given downtime, in other words, our brain defaults to thinking about our social life”
“When given downtime, in other words, our brain defaults to thinking about our social life”

Rewards delivered unpredictably are far more enticing than those delivered with a known pattern

Sau đây Xin trích lại một phần trong blog cũ của mình:

Như mình đã trình bày, nhu cầu tương tác, nói chuyện, socialize là một bản năng của con người. Nút like đại diện cho một phiên bản siêu rút gọn của một sự tương tác giữa người với người, và nó tạo ra một cảm giác thoả mãn, vui vẻ gần tương tự (dù ít, nhưng được bù đắp bởi số lượng lớn).

Our analog brain cannot easily distinguish between the importance of the person in the room with us and the person who just sent us a new text.

Những cảm xúc mà nút “like” này đem lại cũng kích thích, và cũng có thể gây nghiện, như bất kì kích thích nào khác. Và khi kết hợp nút like này với cảm giác của “bài bạc”, hiệu quả nó còn tăng hơn nhiều lần.

Nắm bắt được điều này, hầu hết các trang mạng xã hội hiện tại cũng có những chức năng tương tự như “Like” hay “Love”. Mỗi bài đăng, chúng ta đều nhận được cảm giác như đang cá cược: “Post này liệu có nhiều like?” “Hay sẽ không ai quan tâm?”

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta sẽ liên tục “kéo cần tay” (ấn/kéo refresh). Chính một kỹ sư của Facebook cũng có một thuật ngữ mô tả cảm giác của người dùng khi một bài post được nhiều like: “bright dings of pseudo-pleasure” - “Tiếng ding của sự thoả mãn giả tạo”.

“bright dings of pseudo-pleasure”
“bright dings of pseudo-pleasure”

Có thể hiểu rằng: Nút “Like” đã biến đổi từ một công cụ thú vị, đơn giản, góp vui cho những cuộc nói chuyện bâng quơ thành một hệ thống Máy Đánh Bạc online.

...the “Like” feature evolved to become the foundation on which Facebook rebuilt itself from a fun amusement that people occasionally checked, to a digital slot machine

Tầm quan trọng của việc giao tiếp trực diện

Face-to-face conversation is the most human—and humanizing—thing we do. Fully present to one another, we learn to listen. It’s where we develop the capacity for empathy. It’s where we experience the joy of being heard, of being understood.

Hiểu được lý do loài người luôn tìm kiếm các mối quan hệ xã hội, cũng như hiểu được tầm ảnh hưởng của các dịch vụ công nghệ, mạng xã hội, có lẽ ta càng nhận thức được sự quan trọng trong việc duy trì các mối quan hệ thực thụ - các mối giao tiếp trực diện.

Hãy suy nghĩ lại: khi trò chuyện đối mặt, ta không chỉ đang nghe nội dung mà còn nghe cả sự thay đổi trong âm điệu, sự ngập ngừng hay lưu loát, âm sắc... Ta cũng đồng thời quan sát từng sự biến đổi ở khuôn mặt, các hành vi dù tinh tế, thậm chí là cách ăn mặc, cách trang điểm của đối phương! Chưa kể đến những giác quan khác như khứu giác, xúc giác hay cả vị giác... của ta cũng đang hoạt động, liên tục tiếp nhận và xử lý tất cả những thông tin của môi trường xung quanh. Lượng thông tin ta tiếp nhận qua những cuộc nói chuyện này cao hơn rất, rất nhiều so với một tin nhắn hay một cái “Like”, “Love”!

Các kỹ năng giao tiếp này đã được loài người rèn luyện, hoàn thiện qua hàng thiên niên kỷ!
Các kỹ năng giao tiếp này đã được loài người rèn luyện, hoàn thiện qua hàng thiên niên kỷ!

Và đúng như tác giả đã trình bày:

You cannot expect an app dreamed up in a dorm room, or among the Ping-Pong tables of a Silicon Valley incubator, to successfully replace the types of rich interactions to which we’ve painstakingly adapted over millennia. - Cal Newport

The Digital Declutter

Three principles of Minimalism

Đây có lẽ là tóm tắt đơn giản và thiết thực nhất về phong trào “Lối sống tối giản (Minimalism)” mà mình từng được đọc. Quy trình thực hành lối sống tối giản được Cal Newport gói gọn trong 3 bước, vừa rõ ràng, dễ thực hiện, lại tạo thành một hệ thống khép kín, giúp mọi người tiếp tục duy trì lối sống này.

Principle #1: Clutter is costly.
Principle #2: Optimization is important.
Principle #3: Intentionality is satisfying.

Bước đầu tiên của hành trình đạt được lối sống tối giản là sự nhận thức rằng Sự bừa bộn là tốn kém. “Sở hữu càng nhiều càng tốt”, “Cuộc sống của bạn sẽ được cải thiện nếu có thêm sản phẩm này” là thông điệp được rất được ưa chuộng của nền kinh tế thị trường. Nếu các bạn từng xem bộ phim “The Wolf of Wall Street” có lẽ bạn sẽ có ấn tượng với cảnh phim “Sell me this pen” là một ví dụ cho một tuyệt chiêu của các tập đoàn tư bản thành công nhất: Việc tạo ra hoặc khuếch đại một nhu cầu từ người tiêu dùng và bán giải pháp của vấn đề đó!

Tuy nhiên, sự tốn kém được tác giả nhắc đến không chỉ về tiền bạc, mà cả về tinh thần. Nhiều người cho rằng có nhiều sự lựa chọn là tốt, tuy nhiên nếu bạn có quá nhiều lựa chọn, bạn có biết nó ngược lại sẽ gây stress cho bạn? Vấn đề tâm lý này còn được biết với cái tên ”Burden of choice” - gánh nặng của sự lựa chọn.

“The cost of a thing is the amount of what I will call life which is required to be exchanged for it, immediately or in the long run.” - Thoreau, Walden
“The cost of a thing is the amount of what I will call life which is required to be exchanged for it, immediately or in the long run.” - Thoreau, Walden

Sau khi nhận thức được điều này, chúng ta sẽ bắt đầu quá trình De-clutter hay Optimization (tối ưu hoá), thể hiện qua nguyên tắc thứ 2: “Sự tối ưu hoá là quan trọng”. Cụ thể của quá trình này là việc loại bỏ những thứ không cần thiết, trở nên có chủ đích với từng thứ bạn sở hữu và hãy cân nhắc kỹ liệu những thứ này có thực sự đem lại giá trị cho bạn hay không.

Hầu hết các phong trào dần lụi tàn và bị bỏ qua vì chúng ta không tìm được nguồn năng lượng, động lực để tiếp tục. Tuy nhiên “Hãy tìm được niềm vui qua sự chủ đích của bản thân” - nguyên tắc thứ 3, nguyên tắc cuối cùng của hành trình sống tối giản theo Cal Newport đã thay đổi điều này. Khi bạn học được cách tìm niềm vui và năng lượng từ chính những công sức bấy lâu của bạn, bạn sẽ tìm được một động lực để tiếp tục lại quá trình đó, từ bước đầu tiên.

Three questions to ask when re-introducing yourself to tech

Tháng 12 năm 2017, tác giả đã gửi cho email list của mình một lời mời tham gia một chương trình “tối giản hoá công nghệ trong vòng 1 tháng”. Trái với tưởng tượng ban đầu của tác giả là tầm vài chục người, số lượng người đăng ký đã lên tới con số 1,600 người! Dù số lượng người phải bỏ cuộc trước khi đi đủ 1 tháng không hề thấp, theo thống kê của tác giả cho thấy rằng: quy trình thực hành tối giản hoá này dù khó khăn, nhưng rõ ràng có tác dụng!

Quy trình tối giản hoá theo tác giả gồm 3 bước:

  1. Dành ra thời gian 30 ngày, lựa chọn các dạng “công nghệ” (tuỳ thuộc vào mỗi người, có thể chỉ là điện thoại, có thể là tất cả những thiết bị có thể kết nối mạng, có thể đơn thuần là các dịch vụ mạng xã hội) và cắt bỏ hoàn toàn, không sử dụng nó.
  2. Trong vòng 30 ngày này, tranh thủ tìm hiểu những hoạt động khác đem lại cảm giác thoả mãn, giá trị cho bản thân bạn.
  3. Sau 30 ngày, bắt đầu giai đoạn tự tiếp nhận lại (re-introduce) công nghệ, một cách có chủ đích, qua một bộ câu hỏi nhằm tìm được giá trị cao nhất cho từng thứ.

Đây có thể là một phương pháp tương đối cực đoan và đôi lúc không phù hợp với nhiều người, đặc biệt với đối tượng sinh viên ở Việt Nam, chủ yếu giao tiếp và nhận các thông báo từ trường, lớp, bạn bè v,v... qua mạng xã hội thay vì email. Tuy nhiên, thứ mình ấn tượng là bộ câu hỏi được sử dụng sau khi hoàn thành 30 ngày khi mọi người bắt đầu tiếp cận lại các sản phẩm công nghệ:

1. Does this technology directly support something that I deeply value?

2. Is this technology the best way to support this value?

3. How am I going to use this technology going forward to maximize its value and minimize its harms?

Bộ câu hỏi này mình nhận thấy có thể được dùng ở mọi thời điểm mà không bắt buộc sau khi phải bỏ ra 30 ngày tự làm bản thân... tối cổ. Theo nguyên tắc thứ 2 của lối sống tối giản, bạn hoàn toàn có thể sử dụng các câu hỏi này làm bộ lọc và áp dụng cho mọi thứ, từ các vật chất hay thậm chí là... các mối quan hệ. Dù sở hữu ít, khi bạn tiếp cận lại chúng từ số không và có sự cân nhắc, mà không ôm đồm một cách bừa bãi, đều có thể đem lại giá trị vượt bậc.


What I still find missing?

Tất nhiên, tác phẩm này cũng không hoàn hảo. Nổi bật nhất phải kể đến xuất phát điểm của tác giả: một người chưa từng sử dụng các dịch vụ mạng xã hội. Đây có lẽ là một điều bất ngờ, thậm chí là quái gỡ với nhiều người, nhưng Cal Newport thực sự chưa từng thành lập và đăng ký một tài khoản Facebook, hay Twitter, hay những trang tương tự.

Điều này dẫn đến góc nhìn của tác giả về internet và mạng xã hội chắc chắn sẽ có phần phiến diện, thậm chí khá cực đoan, đặc biệt khi chưa thực sự sử dụng và hiểu được tất cả các điểm mạnh của mạng xã hội và cũng nhận nhiều sự phê phán bởi người đọc. Nhiều người theo mình biết, đã xây dựng được toàn bộ sự nghiệp của mình, thậm chí đổi đời nhờ mạng xã hội, đặc biệt là với các khu vực chưa phát triển, mới tiếp cận với internet thời gian gần đây.

Ngoài ra, môi trường làm việc của tác giả không gắn kết nhiều với các mạng xã hội, dẫn tới nhiều phương thức được đề cử của Cal Newport đôi lúc trở nên khá phi thực tế với đọc giả. Mặc dù xuất phát điểm và ý tưởng rất hay, nhiều lời khuyên trong “Phần 2: thực hành” của tác giả đã phải được biến tấu, thay đổi mới có thể áp dụng được.

Cuối cùng, thời đại công nghệ đang thay đổi một cách chóng mặt, và công nghệ thực tế ảo đang ngày càng trở nên phổ biến. Facebook gần đây cũng đã đổi tên thành “Meta”, với mục tiêu là xây dựng một Vũ trụ ảo (“Metaverse”), nơi chúng ta có thể sẽ phải học cách thay đổi, thích nghi rất khác. Lưu lượng thông tin trong các giao tiếp online cũng đang thay đổi, về cả khuôn mặt, về cả các hành vi, cử động... và biết đâu, Big Data một ngày nào đó có thể sẽ đem được mọi thứ ở thực tại lên thế giới ảo này?

Tuy nhiên, đó là những câu chuyện của tương lai. Hiện tại, đối mặt với cuộc sống hiện tại, mình nghĩ những bài học, những mạch suy nghĩ của tác giả vẫn rất thú vị và hoàn toàn có thể áp dụng một phần để giúp cuộc sống của chúng ta tốt hơn.


Verdict

Hai điều Rays đã may mắn làm được trong những đợt bùng phát dịch bệnh qua, đó là bắt đầu trang Rhyme with Rayshọc cách đọc nhiều sách nonfiction hơn. Mình đã được đọc nhiều tác phẩm thú vị và trong số đó, các tác phẩm của Cal Newport như Digital Minimalism hay Deep Work thực sự làm mình ấn tượng.

Bìa sách Digital Minimalism
Bìa sách Digital Minimalism

“Digital Minimalism: Choosing a Focused Life in a Noisy World” hay phiên bản tiếng Việt: “Lối sống tối giản thời công nghệ số” là tác phẩm mình thích thú nhất trong năm 2020. Nó thực sự cho mình một góc nhìn mới, thú vị hơn, cũng rộng rãi hơn về sự giao tiếp giữa người và người, giữa nhu cầu và sự quá tải và quan trọng nhất là sự chủ động trong việc kiểm soát bản thân, kiểm soát cuộc đời của mỗi chúng ta. Kết hợp với cách hành văn của tác phẩm rất được trau chuốt, tuy nhiên không hề cao siêu mà lại tương đối gần gũi; những dẫn chứng rất có tính thuyết phục và khả năng tóm tắt những ý tưởng rất sâu sắc lại thành những câu đơn giản, thiết thực là những điểm nhấn khiến mình đã đánh giá nó ⭐️ ⭐️ ⭐️ ⭐️ ⭐️ trên Goodreads.

Tác phẩm tất nhiên không hoàn hảo, những điều mình chưa ưng ý đã được đánh dấu ở phần trên. Tuy nhiên, với những người lần đầu được tiếp xúc với khái niệm “de-clutter” hay “Minimalism”, những người giống mình đang gặp khó khăn trong việc tập trung, những người có cảm giác mình đang dành quá nhiều thời gian với Social Media, có thể bạn nên dành thời gian đọc thử tác phẩm này?


Đây là lần đầu mình thử thách bản thân viết thể loại blog mới này, nên mình chắc hẳn đã bỏ lỡ khá nhiều thứ thú vị trong tác phẩm này, cũng như không truyền tài hết cho các bạn những giá trị cuốn sách này mang lại. Tuy nhiên, đó cũng chính là lý do các bạn nên tự tìm đọc nó, vì cảm nhận của mỗi người sẽ có những khác nhau phải không nào?

Đây là tác phẩm cho mình ý tưởng của bài blog “Delete your Facebook app” - bài viết mang tính tranh cãi nhất của Rhyme with Rays tới thời điểm hiện tại. Mình cũng nhận được nhiều góp ý, cũng như thắc mắc rằng mình có thực sự làm theo những điều mình đã kể trong bài và câu trả lời: mình đã hoàn toàn xoá app Facebook khỏi điện thoại, máy tính bảng v,v... từ tháng 7 năm 2020 và đến hiện tại là hơn 1 năm. Tất cả những thời điểm cần sử dụng Facebook (kể cả việc điều phối công việc lớp, quản lý 2 câu lạc bộ) đều được mình thực hiện thông qua phiên bản web của phần mềm này và nó đã thực sự đem lại cho mình rất nhiều giá trị.

Một điều mình muốn nhắc lại, cũng như trong bài viết trước, mình không hề khuyên các bạn từ bỏ hoàn toàn các mạng xã hội như Facebook, Instagram... mà chỉ nên chú trọng hơn về cách thức sử dụng chúng. Internet và các trang mạng xã hội hiện nay là một phần tất yếu trong cuộc sống, thậm chí trở thành một động lực lớn trong quá trình phát triển của xã hội hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh của một đại dịch, khiến cho sự di chuyển xuyên quốc gia vẫn còn rất khó khăn. Tuy nhiên, sử dụng chúng một cách có chủ đích, tìm điểm cân đối giữa các lợi ích và tác hại của chúng là trách nhiệm của mỗi chúng ta với bản thân.

Mình rất mong nhận được các ý tưởng của mọi người và đang cố gắng để xây dựng tính năng bình luận cuối bài nhưng hiện vẫn còn khá nhiều trục trặc, nên các bạn nếu có góp ý gì có thể liên lạc với mình qua email, mình sẽ cố trả lời nhiều nhất có thể. Hẹn gặp mọi người sau 2 tuần nữa nhé!